tin mới nhất

Phòng chống bệnh Dại
Ngày đăng 21/03/2023 | 09:03  | Lượt xem: 412

Tiêm vắc xin là biện pháp tốt nhất phòng bệnh Dại!

Theo thông báo của Tổ chức Y tế Thế giới, hàng năm có khoảng 59.000 người tử vong vì bệnh Dại tại hơn 100 quốc gia trên thế giới (trong đó, 99% trường hợp người tử vong do nhiễm vi rút dại từ chó; 40% là trẻ em dưới 15 tuổi; 95% ca tử vong là ở châu Á và châu Phi); 29 triệu người phơi nhiễm với bệnh Dại và phải đi điều trị dự phòng (trong đó 40% là trẻ em từ dưới 15 tuổi ở các nước châu Á và châu Phi). Theo thống kê của Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thành phố Hà Nội, từ năm 2009 trở lại đây mỗi năm Hà Nội ghi nhận trung bình từ 1 – 3 bệnh nhân tử vong do bệnh Dại, trong đó năm 2022, có 02 trường hợp mắc bệnh Dại tại huyện Mê Linh và Phú Xuyên và đều tử vong, tăng 01 ca so với năm 2021. Đến hết tháng 2/2023, quận Long Biên ghi nhận 163 trường hợp tiêm vắc xin phòng Dại và huyết thanh kháng dại (trong đó 68,1% người đến tiêm là do bị chó cắn), tăng 103 trường hợp so với cùng kỳ năm 2022.

1. Bệnh Dại là gì?

Bệnh Dại là bệnh nhiễm vi rút cấp tính của hệ thống thần kinh Trung ương từ động vật lây sang người bởi chất tiết, thông thường là nước bọt bị nhiễm vi rút dại. Khi đã lên cơn dại, kể cả động vật và người tỷ lệ tử vong gần như là 100%.

2. Nguồn lây truyền bệnh Dại?

Ổ chứa vi rút dại trong tự nhiên thông thường là động vật có máu nóng, đặc biệt là chó. Ngoài ra, vi rút dại cũng được phát hiện ở mèo, chồn, dơi và các động vật có vú khác.

Hầu hết các trường hợp phơi nhiễm với bệnh Dại đều qua vết cắn/liếm của động vật mắc bệnh Dại, đôi khi có thể bị nhiễm qua đường tiếp xúc như hít phải khí dung hoặc ghép tổ chức mới bị nhiễm vi rút dại.

3. Thời gian ủ bệnh?

Thời gian ủ bệnh ở người thường từ 2 – 8 tuần, có thể kéo dài đến trên 1 năm. Thời gian này phụ thuộc vào số lượng vi rút xâm nhập vào cơ thể, sự nặng nhẹ của vết thương, khoảng cách từ vết thương đến hệ thần kinh trung ương… Vết thương càng ở gần hệ thần kinh trung ương như mặt, cổ, đầu, ngón tay, cơ quan sinh dục ngoài… thì thời gian ủ bệnh càng ngắn.

4. Cách xử lý vết thương khi bị chó, mèo cắn

- Cần tách rời quần áo ra khỏi vết cắn, trong trường hợp vết cắn ở chân thì nên dùng kéo cắt bỏ phần vải tại vị trí cắn. Điều này giúp hạn chế nước bọt của động vật bám nhiều hơn vào vết thương.

- Rửa tất cả các vết thương dưới vòi nước chảy trong vòng 15 phút, sau đó sát khuẩn lại bằng dung dịch sát khuẩn như cồn, cồn I ốt, Povidone…

- Không cố gắng nặn máu, không làm dập nát, tổn thương thêm vết thương. Tránh khâu kín ngay vết thương, nếu bắt buộc phải khâu thì khâu ngắt quãng/bỏ mũi sau khi đã thấm đẫm/phong bế huyết thanh kháng dại vào tất cả các vết thương.

- Đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và tiêm vắc xin phòng dại.

5. Các biện pháp điều trị và dự phòng bệnh Dại

Hiện nay, bệnh Dại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Tiêm vắc xin hoặc huyết thanh phòng dại ngay sau khi bị chó, mèo cắn là biện pháp duy nhất để tránh khỏi những ca tử vong thương tâm. Tùy tình trạng vết cắn, có thể chỉ cần tiêm vắc xin hoặc kết hợp với huyết thanh kháng dại.

Khi tiêm vắc xin phòng bệnh Dại cần phải tuân thủ: Tiêm đủ mũi (5 mũi), đúng lịch, không uống rượu bia, không dùng thuốc Corticoid và thuốc ức chế miễn dịch.

Tuyệt đối không dùng thuốc Nam, không tự chữa, không nhờ thầy lang chữa bệnh dại tại nhà để tránh xảy ra những hậu quả đáng tiếc.

Bệnh Dại nguy hiểm nhưng hoàn toàn có thể phòng tránh được. Để chủ động phòng chống bệnh Dại, người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau:

- Tiêm phòng đầy đủ cho chó, mèo nuôi và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y.

- Không thả rông chó, mèo; chó ra đường phải được đeo rọ mõm.

- Không đùa nghịch, trêu chọc chó, mèo.

- Khi bị chó, mèo cắn, cào, liếm cần xử trí vết thương đúng cách và đi tiêm phòng theo khuyến cáo của Bộ Y tế.

Tiêm vắc xin là biện pháp tốt nhất phòng bệnh Dại!